Thông tin về cuộc thi AMO

Share

AMO là gì?

Cuộc thi Olympic quốc tế về lĩnh vực Vi điện tử (AMO) được khởi xướng bởi tập đoàn Synopsys. Đối tượng của cuộc thi là sinh viên đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh (dưới 30 tuổi).

Cuộc thi được tổ chức hằng năm nhằm tăng sự quan tâm, truyền cảm hứng để sinh viên tìm hiểu về Thiết kế Vi mạch đặc biệt là sinh viên khối kỹ thuật. Thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực Thiết kế Vi mạch tại Việt Nam. Cũng như giúp hiểu mức độ kiến thức về Vi điện tử của sinh viên tại Việt Nam so với thế giới nhằm điều chỉnh chương trình đào tạo và tạo một cộng đồng người trẻ yêu thích Thiết kế Vi mạch.

Thí sinh tham dự có cơ hôi được tài trợ toàn bộ kinh phí để đến Armenia dự Vòng quốc tế cùng với các thí sinh đến từ các quốc gia khác trên thế giới.

Đến với AMO, các thí sinh sẽ trải qua một bài thi kiến thức tổng hợp về các lĩnh vực:

– Thiết kế và kiểm tra IC số.

– Thiết kế và kiểm tra IC tương tự và hỗn hợp.

– Công nghệ và các thiết bị bán dẫn.

– Toán học và các thuật toán cho các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA).

Được chia thành 9 nội dung nhỏ:

– Vi mạch số.

– Vi mạch tương tự.

– Vi mạch cao tần (RF).

– Linh kiện điện tử và bán dẫn.

– Phương pháp số và tối ưu.

– Toán rời rạc và lý thuyết tổ hợp.

– Lập trình hướng đối tượng.

– Điện tử Nano (công nghệ Nano).

Một vài thành tích nổi bật của SV Khoa KTMT tại AMO

Anh Đoàn Văn Hiếu, SV Khóa 12 khoa KTMT

Vượt qua gần 370 thí sinh từ 10 nước, Đoàn Văn Hiếu đã xuất sắc giành giải ba cuộc thi Olympic Vi Điện tử quốc tế (AMO).

Do Covid-19, cuộc thi tổ chức theo hình thức online hồi tháng 12/2020 với sự tham dự của 370 thí sinh đến từ Armenia, Argentina, Brazil, Ai Cập, Peru, Nga, Serbia, UAE, Ukraine và Việt Nam. “Em rất vui khi nhận được thông báo kết quả, người đầu tiên em gọi điện báo tin mừng là ba mẹ ở quê Bình Định”, Đoàn Văn Hiếu chia sẻ.

Hiếu kể, cậu biết tới AMO từ hơn một năm trước và thấy cuộc thi rất thú vị, phù hợp với chuyên ngành đang học. Tìm hiểu quy chế thi, Hiếu dành một năm tự học, tích lũy các kiến thức liên quan đến vi điện tử, gồm thiết kế vi mạch số, thiết kế lý luận số, lập trình hướng đối tượng, thiết kế hệ thống số với HDL…

Để tham gia tại vòng chung kết thế giới, các thí sinh phải tham gia và đứng đầu vòng quốc gia nơi mình đại diện. Ở Việt Nam, vòng quốc gia tổ chức hồi tháng 9 năm ngoái tại Đại học Công nghệ Thông tin với đề thi trắc nghiệm bằng tiếng Anh. Hiếu đã vượt qua 110 thí sinh, trở thành đại diện Việt Nam tham gia AMO.

Thử thách ở vòng chung kết quốc tế là 18 câu hỏi, mỗi câu là một bài toán, thí sinh có ba tiếng để hoàn thành. Hiếu tập trung hoàn thành những câu với kiến thức quen thuộc trước rồi mới quay lại những câu khó. Phần khó nhất trong cuộc thi là những câu liên quan đến thiết kế vi mạch tương tự bởi đó là kiến thức cậu chưa từng tiếp cận.

Với những nội dung chưa học, cậu sử dụng những kiến thức có liên quan, tập trung suy nghĩ logic. Hiếu viết tất cả những gì mà mình suy nghĩ được, sau đó xâu chuỗi và tổng hợp lại để có một câu trả lời hoàn chỉnh. “Ngoài đáp án chính xác, các thí sinh cần có một cách trình bày khoa học, hợp lý để thuyết phục được ban giám khảo”, Hiếu cho biết. Chung cuộc, đại diện của sinh viên Việt Nam trả lời đúng 12 câu.

Sắp ra trường, Hiếu cho rằng giải thưởng này sẽ là lợi thế giúp mình tìm được một công việc tốt. Trước đó, cậu đã thực tập, làm việc và trải nghiệm ở một số công ty. Học kỳ tới, nam sinh sẽ tham gia trợ giảng cho khoa để tích luỹ thêm kinh nghiệm, sau đó sẽ đưa ra quyết định hướng đi cho tương lai.

Tham gia ngay cuộc thi

Đăng ký ngay tại đây

Tài liệu tham khảo xem tại đây